Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì

Trẻ ở độ tuổi dậy thì bắt đầu có những thay đổi về hình thể, về tâm lý. Ở lứa tuổi “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” này thường khiến trẻ ngơ ngác, không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận chính cả bản thân mình. Từ đó dễ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc...
BS. Lâm Xuân Điền - Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP. HCM đã cho biết về vấn đề này.
Những thay đổi về hình thể, tâm lý
Ở góc độ tâm lý, xã hội, cái nhìn của người khác - của người lớn, bạn bè đồng trang lứa - đối với các em có ý nghĩa và tác động rất lớn. Cái nhìn ở đây chủ yếu là nhìn bên ngoài, vì trẻ ở tuổi dậy thì có thay đổi nội tiết tố làm thay đổi giọng nói, chiều cao, da mặt...
- Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều. Có em đã nông nổi tự tử chỉ vì bị bạn bè chọc ghẹo, chê bai là... mặt mụn! Đó là một dạng rối loạn tâm thần phản ứng và có những hành vi không thích nghi.
- Khi các em mới lớn, quan hệ về chiều cao đối với các em cũng rất đặc biệt. Trước kia nói chuyện với người lớn các em phải nhìn lên, bây giờ thì nhìn ngang và có em cao quá phải nhìn xuống. Sự thay đổi về chiều cao cũng có khi làm các em bối rối.
- Trong học tập, tuổi dậy thì cũng là tuổi ở giai đoạn đang từ học cấp I lên cấp II. Các em đang quen với cách giáo dục chỉ có một cô hoặc một thầy, nay chuyển sang cách giáo dục nhiều thầy, nhiều cô nên rất bỡ ngỡ.
Chính vì vậy thầy cô hiểu các em ít đi, còn các em dễ rơi vào cảm giác là thầy cô bớt hiểu mình và thầy cô coi mình đã lớn rồi, cư xử với mình như những học sinh đã học nhiều năm ở cấp II. Khi mới học lớp 6, các em rất bỡ ngỡ, bối rối trong việc học tập và trả bài do ở cấp I thường các em học bài nào trả bài đó.
Khi lên học cấp II, có khi học tuần này thì 1-2 tuần sau các em mới phải trả bài. Các em không hiểu thầy cô sẽ dò bài trong 1-2 tuần sau, có thể hỏi những bài đã học trước. Vì vậy khi các em trả bài không đạt yêu cầu, thầy cô sẽ không hài lòng. Sự không hài lòng của thầy cô khiến các em dễ bị sốc.
Chính cái sốc đó dễ gây rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần cho các em. Đặc biệt, khi bước vào các đợt thi của những năm học đầu cấp II - thường thi phức tạp hơn cấp I - các em dễ bị áp lực tâm lý nặng nề hơn và nhất là khi tốt nghiệp cấp II.
- Về hình thể bên ngoài, khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các em có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển rất nhiều so với trước kia. Con gái ngực to ra, có kinh nguyệt; con trai vỡ tiếng, bắt đầu có ria mép... Nếu cùng lứa tuổi với nhau, em nào có trước tiên những biểu hiện dậy thì sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử.
- Các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không ai giải thích điều này các em càng dễ bị sốc và hoang mang hơn... Những áp lực về tâm lý của các em nếu không có người giúp giải tỏa thì về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên, khiến các em có thể bị các rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc và rối loạn tâm thần.
Cần lưu ý những biểu hiện gì?
Đang đi học hình thường nhưng bị suy giảm khả năng học hành. Căng thẳng, dễ bực dọc, đôi lúc các em tỏ ra “hỗn láo” đối với người lớn. Có em mất ngủ, đứng ngồi không yên, có em có những hành vi bất thường như bỏ nhà ra đi, gây hấn với người khác, rối loạn cảm xúc (vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm)...
Rối loạn suy nghĩ, suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng. Ví dụ, có em lúc nào cũng suy nghĩ rằng cóngười yêu mình, hoặc thấy ai đẹp trai là tiến đến khen người đó đẹp trai hoặc nói thẳng là thích người bạn trai đó; có em sợ bị bệnh AIDS, sợ làm lây bệnh cho người khác dù mình không hề bị...
Có thể từ những rối loạn hành vi này các em chuyển sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng, và điều này càng làm các em cách biệt về mặt thực thể đối với người khác. Lúc đó, các em sẽ có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế.
Không nên giấu giếm bệnh
Rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần tuổi dậy thì có thể điều trị khỏi được nếu bệnh của các em được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần.
Về phía các bậc cha mẹ, khi thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường thì không nên giấu giếm, mặc cảm về những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần của con cái mà nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt.
Đây là lúc các em rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của các thầy thuốc. Chính sự chăm sóc và điều trị sớm sẽ giúp các em nhanh chóng thoát khỏi những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét