Hưng (Đống Đa, Hà Nội) năm nay 19 tuổi. Từ lâu cậu không cao lên nữa. Gần 10 năm trước, khi thấy con lớn nhanh, vạm vỡ và cao hơn hẳn các bạn, mặt nổi trứng cá, giọng vỡ ồm ồm, bố mẹ Hưng thấy thú vị và tự hào.
Năm 18 tuổi, Hưng đến một bệnh viện với hy vọng có thể dùng hoóc môn tăng trưởng để giúp mình thoát khỏi cái tiếng "lùn", rồi thất vọng trở về vì biết thuốc đó rất đắt và cũng không còn tác dụng với cậu nữa. Và cũng từ lúc đó Hưng mới biết mình bị chứng dậy thì sớm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện tượng dậy thì xuất hiện trước 10 tuổi ở trẻ trai và 9 tuổi ở trẻ gái thì được coi là sớm; thậm chí có những trẻ mới 2-3 tuổi đã dậy thì. Những năm gần đây, số trẻ đến khám về bệnh này có dấu hiệu tăng, có thể do nhiều bậc cha mẹ đã biết đó là biểu hiện bất thường.
Dậy thì sớm giả và thật
Biểu hiện dậy thì sớm khá dễ nhận thấy: Trẻ cao nhanh hơn, lông phát triển. Bé trai có cơ bắp nở nang, dương vật dài ra, có râu, trứng cá, vỡ giọng. Bé gái người nở nang, ngực phát triển, bộ phận sinh dục lớn và sẫm màu, có thể hành kinh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn, bệnh lý dậy thì sớm được chia làm hai loại chính.
Dậy thì sớm thật: Có nguồn gốc từ sự tăng tiết một hoóc môn ở vùng dưới đồi tuyến yên, hoóc môn này chỉ huy các tuyến sinh dục hoạt động. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là u não, cách giải quyết là cắt bỏ u, hoặc nếu u ở sâu không lấy được thì dùng tia xạ và thuốc. Một số trường hợp hoóc môn tăng tiết mà không tìm thấy nguyên nhân, có thể điều trị bằng Diphereline - một thuốc làm mất tác dụng của hoóc môn kể trên.
Dậy thì sớm giả: Bắt nguồn từ các vấn đề ở tuyến thượng thận, tinh hoàn hoặc buồng trứng. Ở những trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, hoóc môn sinh dục nam quá nhiều khiến các trẻ gái bị chứng nam hóa, gây mơ hồ giới tính, và trẻ trai bị dậy thì sớm. Ngoài ra, khối u ở tinh hoàn (tỷ lệ ác tính cao) cũng gây tăng tiết hoóc môn sinh dục và gây dậy thì sớm. Ở bé gái, chứng u nang buồng trứng cũng gây dậy thì sớm. U nang một bên thường là lành tính, nhưng nếu có nhiều u, biểu hiện dậy thì rất rầm rộ thì rất dễ là ác tính.
Tùy theo nguyên nhân, các trường hợp dậy thì sớm giả được điều trị bằng thuốc nội tiết dành cho tuyến thượng thận (dùng suốt đời), cắt bỏ u...
Lớn sớm, nhưng ngừng sớm
Tiến sĩ Hoàn cho biết, nhiều bệnh nhân dậy thì sớm được đưa đi khám muộn bởi phụ huynh thấy con vẫn khỏe mạnh, lại nghĩ rằng sớm một chút cũng không sao, có người còn cho là tốt nữa. Sự chủ quan này khiến trẻ mất cơ hội phát triển chiều cao.
Các hoóc môn gây dậy thì sớm kích hoạt sự phát triển xương khiến trẻ cao lên rất nhanh. Tuy nhiên, các đầu xương sau đó nhanh chóng đóng lại khiến trẻ không tiếp tục cao thêm. Do đó, những trẻ bị dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng lứa và không đạt đến chiều cao mà gene di truyền của trẻ quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn khuyên các bậc phụ huynh khi thấy con có biểu hiện dậy thì sớm thì đi khám ngay để điều trị kịp thời, nhằm tránh những tác động có hại đến xương. Nếu đến bệnh viện khi các đầu xương đã đóng kín thì không có cách gì làm trẻ cao lên được.
Việc đến bác sĩ sớm cũng giúp cứu trẻ khỏi các tình huống hiểm nghèo bởi nhiều ca bệnh là do u bướu gây ra. Ngoài ra, những bệnh nhân dậy thì sớm nếu đã xuất tinh hoặc hành kinh thì đều có khả năng sinh sản, trong khi trẻ chưa được chuẩn bị về kiến thức và tâm lý, sức khỏe cho việc này. Vì vậy việc khám sớm và dặn dò, nói với trẻ về sức khỏe sinh sản là cần thiết.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét