Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh


Thời gian qua, các bệnh viện, các tuyến điều trị tiếp tục được nâng cao chất lượng các hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đến nay, hệ thống này gồm 13.500 cơ sở KCB công lập với gần 189 nghìn giường bệnh, hơn 100 bệnh viện tư nhân, hơn 35 nghìn phòng khám bệnh tư nhân.
So với chỉ tiêu giường kế hoạch thì số giường bệnh thực kê hiện nay ở các bệnh viện cao hơn 112%, tương đương 19.340 giường bệnh. Ước tính số giường bệnh thực tế đến cuối năm 2009 đạt 22 giường/mười nghìn dân, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 20,5 giường bệnh/mười nghìn dân đến năm 2010. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật cao được các cơ sở không chỉ ở tuyến trung ương, mà cả tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các nước phát triển như: ghép gan, ghép thận, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi... được triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương và nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. Tiêu biểu như Bệnh viện Bạch Mai cứu sống thành công sản phụ mắc bệnh hiểm nghèo: suy đa phủ tạng do nhiễm trùng, rối loạn đông máu, huyết áp không, nhịp tim giảm dần; Bệnh viện Việt Đức thực hiện được các kỹ thuật cao nhất của khu vực và thế giới: mổ cắt gan lớn, cắt khối tá tụy, hẹp động mạch vành, thay van tim, u não; Bệnh viện nhi T.Ư tiến hành nhiều ca phẫu thuật tim hở, phức tạp trên trẻ sơ sinh; Bệnh viện T.Ư Huế phẫu thuật thành công cho trẻ bốn tháng tuổi. Bệnh viện Bà Rịa thực hiện thành công gần 20 ca vi phẫu nối liền các phần chi bàn tay, cánh tay, cẳng chân bị đứt lìa khỏi cơ thể; Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tách thành công hai ca song sinh dính nhau; Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện thành công bảy ca ghép gan; Bệnh viện huyện Cái Bè (Tiền Giang) triển khai hơn 30 ca phẫu thuật nội soi cho người bệnh viêm ruột thừa, sỏi túi mật, thai ngoài tử cung; Bệnh viện M'Drăk (Đác Lắc) cắt bỏ thành công khối u buồng trứng nặng ba kg...
Công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới nâng cao chất lượng KCB cũng đem lại những kết quả khích lệ. Năm 2009, các bệnh viện đã cử hơn 20 nghìn lượt cán bộ đi chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng 24,6% so với năm trước (bao gồm cả cán bộ tuyến huyện hỗ trợ các phòng khám đa khoa khu vực hoặc trạm y tế xã). Qua đó chuyển giao hơn mười nghìn lượt kỹ thuật lâm sàng, tăng 33,4%; chuyển giao gần ba nghìn lượt kỹ thuật cận lâm sàng, tăng 71%; tập huấn cho hơn 120 nghìn lượt cán bộ y tế tuyến dưới.
Theo thống kê, 1.009 bệnh viện trong cả nước đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 116,8 triệu lượt người bệnh, tăng 9,8% (khoảng mười triệu lượt) so với năm trước. Có 49,3% số người bệnh được khám và điều trị tại tuyến huyện, ở tuyến tỉnh là 36,5% và tuyến trung ương là 6,2%. Các bệnh viện khám và điều trị ngoại trú hơn 51,8 triệu lượt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 44,4% tổng số lượt người được khám và điều trị, tăng 19,9% so với năm trước.
Tuy nhiên, hệ thống KCB còn nhiều điểm cần khắc phục nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là việc làm thường xuyên, liên tục không chỉ để đáp ứng nhu cầu đó, mà còn đạt các mục tiêu: công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển trong khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ rõ: Các bệnh viện tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám chữa bệnh khoa học và hợp lý nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, chờ làm các xét nghiệm. Tăng cường điều trị ngoại trú, nhất là đối với những bệnh mạn tính, giảm ngày điều trị nội trú trên cơ sở bảo đảm chất lượng điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện không cần thiết, giảm chi phí cho người bệnh. Cải tạo cơ sở hạ tầng, bố trí thêm giường bệnh tại các khoa phòng thường xuyên quá tải, hạn chế thấp nhất tình trạng nằm ghép. Rà soát công tác xã hội hóa trong KCB tại các đơn vị nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót, hạn chế thấp nhất mặt trái của cơ chế thị trường đối với công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Không ngừng giáo dục y đức cho cán bộ, nhân viên, hạn chế tình trạng tiêu cực, hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức của một số cán bộ y tế. Mỗi cán bộ y tế phải làm tốt chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn và thái độ trong giao tiếp với người bệnh và người nhà người bệnh.
Các bệnh viện cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế cận có tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Đối với bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành cần nghiên cứu, xác định rõ các mũi nhọn chuyên môn cần phát triển chuyên sâu, đề xuất nhu cầu đào tạo chuyển giao kỹ thuật trong nước, nước ngoài để lập đề án phát triển trung tâm chuyên sâu. Đồng thời đẩy mạnh triển khai Đề án 1816 theo hướng chủ động, sáng tạo, duy trì tính bền vững của Đề án.
Các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chống quá tải:
- Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị để rút ngắn thời gian điều trị.
- Tăng giường bệnh thông qua việc xây dựng mới, nâng cấp cơ sở, mở rộng buồng bệnh.
- Đẩy mạnh việc thí điểm luân phiên cán bộ chuyên môn cho tuyến dưới; tăng cường chỉ đạo tuyến và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn y tế.
- Phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập và triển khai các hình thức xã hội hóa.
(Bộ Y tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét