Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Đề phòng và ngăn ngừa thủy đậu


“Hiện giờ, con tôi đang bị thủy đậu. Ai đó giúp con gái tôi với, tôi rất sợ bệnh sẽ để lại sẹo trên mặt cháu. Mọi người ơi, giúp con gái tôi với!” Đây là lời kêu cứu khẩn thiết của nhiều bà mẹ có con mắc phải căn bệnh thủy đậu trong mùa bệnh cao điểm này.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết, do thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm, vi rút gây bệnh phát triển mạnh khiến cho nhiều dịch bệnh phát triển.

Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận khám cho khoảng 200 bệnh nhân, đa số là các bệnh do vi rút. Thời gian gần đây ngày nào cũng có vài bệnh nhân bị thủy đậu nặng, phải nhập viện điều trị trên tổng số hàng chục ca vào khám bệnh này.

TS. Dũng cảnh báo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa bệnh thủy đậu, đừng để trẻ bị bệnh rồi mới tìm cách chữa như lời kêu cứu của các bà mẹ trên các diễn đàn, và cần chú ý chăm sóc không để bệnh diễn biến nặng hơn.

Tác hại của bệnh thủy đậu
Hầu hết trẻ bệnh thủy đậu sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp trẻ có thể bị viêm da, viêm phổi hay viêm não và có thể tử vong.

Trẻ sinh ra từ người mẹ bị mắc bệnh thủy đậu có thể bị dị tật, sẹo da và một số bất thường khác.

Nếu đã từng bị mắc bệnh thủy đậu, trẻ sẽ có được miễn dịch và sau này không bị mắc bệnh một lần nữa. Tuy niên, trong vài trường hợp khi lớn lên bệnh có thể diễn tiến thành bệnh zona, đặc trưng bởi triệu chứng phát ban khu trú ở một số vị trí và đau dọc theo đường đi của dây thần kinh cảm giác.

Vắc xin ngừa thủy đậu
Vắc xin ngừa bệnh thủy đậu được sản xuất từ vi rút sống được làm giảm độc lực, khi đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng giúp cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại bệnh. Vắc xin này được sử dụng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Tùy theo loại vắc xin mà trẻ chỉ cần tiêm một liều duy nhất hoặc nhắc lại liều thứ hai đối với trẻ trên 12 tuổi. Khi tiêm đủ liều trẻ sẽ đạt được miễn dịch kéo dài đối với bệnh thủy đậu và cả bệnh zona sau này.

Những trẻ đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ không cần tiêm ngừa vì bản thân đã có miễn dịch rồi.

Những ai cần tiêm ngừa bệnh thủy đậu?

- Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên chưa mắc bệnh thủy đậu.

- Người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt là các đối tượng như cô giáo, người chăm sóc trẻ, nhân viên y tế.

Phụ nữ chưa có miễn dịch bệnh cần được tiêm ngừa trước khi mang thai khoảng 2 tháng.

Những ai không được tiêm ngừa bệnh thủy đậu?
- Dị ứng với vắc xin hoặc bất cứ thành phần nào của vắc xin. Vì vậy khi đưa bé đi tiêm ngừa, cha mẹ cần nói cho bác sĩ biết tất cả tiền sử về dị ứng của con mình.

- Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.

- Dự định có thai trong vòng 1 tháng sau tiêm ngừa.
Đề phòng và ngăn ngừa thủy đậu - 1
Khi đưa bé đi tiêm ngừa, cha mẹ cần nói cho bác sĩ biết tất cả tiền sử về dị ứng của con mình (ảnh minh họa)
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bất thường về máu, ung thư, nhiễm HIV, đang hoá trị liệu, bệnh lao.

- Đang mắc bệnh lao.

Một số phản ứng phụ sau tiêm ngừa. Tất cả các vắc xin đều có thể gây ra phản ứng phụ sau khi tiêm.

Tuy nhiên, những phản ứng này đều nhẹ và ít khi xảy ra. Một số phản ứng có thể gặp sau khi tiêm ngừa thủy đậu bao gồm:

- Sưng, đỏ, đau ngay vị trí tiêm.

- Sốt nhẹ.

- Phát ban nhẹ xảy ra trong khoảng 5 – 26 ngày sau tiêm ngừa.

- Dị ứng với vắc xin ngừa bệnh thủy đậu: rất hiếm xảy ra, những phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 15 phút sau tiêm. Do đó, sau khi được chủng ngừa, phụ huynh cần cho trẻ ngồi lại khoảng 30 phút để theo dõi.

Trẻ có tiếp xúc với người bệnh thủy đậu có thể tiêm ngừa được hay không?
Bạn vẫn có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa. Tuy vậy, nếu thời gian tiếp xúc của trẻ trên 5 ngày thì nhiều khả năng vắc xin sẽ không bảo vệ trẻ được khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, vắc xin ngừa bệnh thủy đậu cần thời gian khoảng 2 tuần lễ để đạt được miễn dịch tốt nhất nên trong khoảng thời gian này nếu trẻ có tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có khả năng bị mắc bệnh.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu trẻ phát bệnh sau tiêm ngừa thì triệu chứng cũng sẽ được giảm nhẹ rất nhiều và hầu như không xảy ra biến chứng.

PGS. TS Guyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết nếu trẻ đã mắc bệnh thì trẻ cần hạn chế tiếp xúc với nước, tránh gió nhưng không nên kiêng quá kỹ hoặc tắm bằng các loại lá cây.

Theo TS. Dũng, người bệnh chỉ cần tắm nhanh bằng nước xà phòng để giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt không được tự mua kháng sinh về uống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét