Trước đó mấy ngày chị Vân đang ngủ tự nhiên tai phải đau như có con gì chui vào. Theo phản xạ, chị dùng bông ngoáy tai để lấy dị vật ra. Tuy nhiên, chị chỉ lấy được phần đuôi con gián còn phần đầu đọng lại. Chị đau quá nên đi khám chuyên khoa Tai mũi họng.
Cũng giống chị Vân, chị Thương (Quế Võ, Bắc Ninh) bị bọ chó chui vào tai. Sau 2 ngày chị thấy đau và buốt. Chị tự gắp con bọ ra nhưng không ngờ vẫn còn trứng côn trùng trong tai. Hiện tại tai của chị Thương chảy mủ phải nhập viện điều trị.
Theo BS.CKII. Nguyễn Thị Bích Thủy, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai, đây chỉ là một trong số ít những trường hợp mà bác sĩ hay gặp. Mỗi ngày, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị côn trùng chui vào tai. Bệnh nhân đến khám đủ lứa tuổi từ trẻ em nhỏ, thiếu nhi, thanh niên, người cao tuổi. Khi soi tai, bác sĩ thường thấy côn trùng chui vào tai như kiến, gián, bọ chó…
Bác sĩ nội soi tai cho bệnh nhân bị côn trùng chui trong tai
Ngoài ra, có rất nhiều người tự lấy côn trùng ở nhà hoặc ở các phòng mạch không chuyên khoa nên chỉ lấy được phần đuôi con côn trùng, còn phần đầu sâu quá không lấy ra được. Côn trùng nằm lâu trong tai gây viêm nhiễm và có thể điếc.
BS.Lê Xuân Cành, Nguyên Viện phó, Viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, tai ngoài có một số dây thần kinh đi qua, vì vậy, côn trùng bò đến phần ngoài ống tai bệnh nhân sẽ có cảm giác nhột, khó chịu, ngứa ngáy. Nhưng khi côn trùng bò vào phần trong ống tai gần màng nhĩ thì sẽ rất đau.
Nếu đang ngủ bị đau tai đột ngột nên soi tai xem có gì trong tai không, nếu thấy có con kiến, hay con gì khác cũng đừng cố lấy ra, nó sẽ chui sâu vào trong tai gây chấn thương màng nhĩ và có thể gây điếc. Nếu nhà xa, tốt nhất là lấy nước sôi để nguội nhỏ ngập tai cho côn trùng chết ngộp rồi đưa đến bác sĩ Tai Mũi Họng. Nếu nhà gần thì đến bác sĩ Tai Mũi Họng ngay vì đôi khi đau tai không phải do côn trùng mà do viêm tai giữa cấp tính.
Xử trí côn trùng chui vào tai - Nhỏ oxy già hoặc nước ấm (độ ấm khoảng bằng với nhiệt độ cơ thể) đến khi côn trùng không ngọ nguậy được nữa, sau đó nằm nghiêng lại cho nước chảy ra. - Dùng đèn soi rọi vào, nếu côn trùng ở gần phía ngoài tai, có thể nhìn thấy thì dùng kẹp y tế gắp ra. Lưu ý, nếu đã không lấy được côn trùng ra thì không nên cố lấy, bởi vì càng cố sẽ làm cho côn trùng chui sâu vào trong gây chấn thương màng nhĩ, hoặc sẽ làm chúng nát ra, dễ dẫn đến nhiễm trùng tai. Nếu đã áp dụng những cách sơ cứu trên mà vẫn không lấy được côn trùng ra thì nhanh chóng đến bệnh viện, tránh những tổn thương nặng nề hơn. Phòng ngừa côn trùng chui vào tai - Hạn chế việc ngủ dưới đất, nên ngủ trên giường. - Không nên ăn uống, gây đổ bẩn ra giường, là nguồn thu hút kiến, côn trùng đến. - Đối với trẻ em, khu vực quanh giường ngủ, gần khu vui chơi cần phải vệ sinh sạch sẽ, tránh để thức ăn thừa, các chất ngọt như bánh kẹo, sữa dấy bẩn trên quần áo, chăn mền. - Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu. (BS.Lê Xuân Cành, Nguyên Viện phó, Viện Tai mũi họng Trung ương) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét